Sáng tác Ghosteen

Ghosteen là album kép đầu tiên của Nick Cave and the Bad Seeds kể từ sau Abattoir Blues / The Lyre of Orpheus (2004). Album bao gồm 11 bài hát và được chia làm hai phần. Phần đầu tiên bao gồm tám bài hát và được Nick Cave mô tả là "những đứa trẻ". Phần còn lại của album gồm hai bài hát có thời lượng dài hơn và một ca khúc diễn thuyết. Cave mô tả phần này là "cha mẹ của [những đứa trẻ ấy]". Ông tổng kết lại rằng Ghosteen là "một linh hồn đang di cư."[13] Cave cũng cho biết Ghosteen là phần cuối cùng trong bộ ba album khởi đầu từ Push the Sky Away (2013) và tiếp đến là Skeleton Tree.[6]

Ca từ

Cave bắt đầu soạn lời cho các ca khúc của Ghosteen từ tháng 2 năm 2017. Kể từ cuối năm 2015, khi còn đang cải thiện phần lời của album Skeleton Tree, Cave đã "rất cố tình" không sáng tác thêm bất cứ bài hát mới nào. Ông mô tả quá trình "buộc [bản thân] ngừng sáng tác" này là "một khoảng thời gian tự giam mình trong những doanh trại", và cho rằng quãng thời gian ấy đã giúp ông "cảm thấy tự tin hơn trong việc viết lời bài hát". Khác với thói quen soạn lời bài hát "có kỷ luật" thường ngày ở văn phòng của mình, Cave đã sáng tác lời cho các ca khúc của Ghosteen tại nhà riêng ở Brighton.[14] Sự thay đổi về môi trường và thói quen làm việc đã giúp ông "tích lũy được một kho dự trữ những câu từ và suy nghĩ, cùng những hình ảnh và ý tưởng", thay vì sáng tác các bài hát theo lối truyền thống hơn. Khi viết lời cho Skeleton Tree, Cave đã từ bỏ phương pháp sáng tác theo kiểu tự sự đặc trưng của mình vì ông cho rằng phương pháp này "gây hạn chế". Ông giải thích về cách sáng tác mới như sau: "Ý tưởng rằng cuộc sống của chúng ta [diễn ra] như một đường thẳng tắp, như một câu chuyện, dường như càng lúc càng trở nên vô lý đối với tôi[.] Và hơn bất cứ điều gì khác, [nó như là] một thứ [sinh ra để cho người ta] dễ suy nghĩ hơn [vậy] … Có một trái tim thuần khiết [ở đây], nhưng tất cả [không gian] xung quanh nó là sự chao đảo."[6] Trong số đầu tiên của The Red Hand Files, Cave bàn luận chi tiết rằng ông đã tìm được một "cách chân thật để sáng tác vượt qua sự khủng hoảng tinh thần […] [Nó] giải quyết được tất cả các loại vấn đề[,] nhưng không hề bỏ qua vấn đề về cái chết của con tôi". Ông cho biết phương pháp mới được tìm ra này đã cho phép ông sáng tác "vượt lên [những suy nghĩ] cá nhân [và] đạt đến một trạng thái [khiến tôi phải] kinh ngạc. Bằng cách này, mọi thứ được nhuốm màu trở lại với một sắc độ mới và thế giới dường như [trở nên] rõ ràng[,] tươi sáng và mới mẻ."[15]

Một số xuất bản phẩm mô tả rằng phần ca từ của Ghosteen có chủ đề về sự mất mát, cái chết, nỗi đau buồn[16][17]chủ nghĩa hiện sinh.[18] Tuy nhiên, họ cũng để ý đến những chủ đề tích cực trong album như sự đồng cảm, niềm tin và sự lạc quan.[4][16] Xuyên suốt album, nhiều bài hát khác nhau liên tục lặp lại và nhắc đến một số cụm từ, cũng như một vài mô típ về mặt ca từ. Bên cạnh đó, hình tượng của tự nhiên, của các nguyên tốKitô giáo cũng xuất hiện trở đi trở lại trong album.[19] Ngoài hình tượng Kitô giáo, Ghosteen còn có sự hiện diện của hình tượng Phật giáo. Bài hát khép lại album, "Hollywood", có nội dung gợi nhắc đến câu chuyện của vị a-la-hán theo Đạo Phật Kisa Gotami. Sau cái chết của con mình, Gotami tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đức Phật và phát hiện ra rằng "không ai là vô cảm trước sự mất mát."[2]

Âm nhạc

Ghosteen là một album thuộc thể loại ambientđiện tử.[1][2] Pitchfork mô tả album là "bản thu âm có phần âm nhạc mang tính huyền bí nhất" của Nick Cave and the Bad Seeds.[18] Tương tự như Skeleton Tree, Ghosteen sử dụng nhiều âm thanh của các synthesizer tương tự và loáng thoáng những tiếng piano,[20] cùng với những đoạn hát bè của dàn hợp xướng và những tiếng ò e.[19][21] Một đặc điểm nổi bật khác trong âm nhạc của album là sự xuất hiện của các nhạc cụ bộ dây dùng cho dàn nhạc.[20] Nhạc trưởng Ben Foster là người thực hiện cải biên cho phần nhạc của bộ dây, với sự giúp đỡ của Sam Thompson. Album sử dụng âm thanh của một dàn đồng diễn nhạc cụ bộ dây kết hợp cùng tiếng violin của Warren Ellis. Dàn đồng diễn này bao gồm năm người: hai người chơi violin, một người chơi viola, một người chơi cello và người còn lại chơi double bass.[9] Các nhạc cụ khác được sử dụng trong album bao gồm một số nhạc cụ khí gỗ, những chuông hòa âm theo phong cách gamelan,[20] một bộ ondes Martenot và những cặp trống nhỏ tabla.[9] Một số nhà phê bình nhấn mạnh rằng trái ngược với các album trước đó của ban nhạc, Ghosteen hiếm khi sử dụng những tiếng trống của Thomas Wydler, cũng như những tiếng của Jim Sclavunos.[4][20][22]

Trong suốt sự nghiệp của mình, Nick Cave thường được biết đến với "chất giọng nam trung cứng nhắc".[23] Dù vậy, ông đã hát ở âm khu giả thanh trong một số ca khúc của Ghosteen. Một số nhà phê bình để ý thấy lối hát bằng giọng giả thanh của Cave có tính "rung rung, run run" và thể hiện đặc điểm của "tremolo".[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ghosteen http://www.ultratop.be/nl/goud-platina/2020 http://exclaim.ca/music/article/exclaim_s_20_best_... http://www.anydecentmusic.com/review/10104/Nick-Ca... http://www.brooklynvegan.com/mojos-top-75-albums-o... http://www.brooklynvegan.com/uncut-magazines-top-7... http://www.discogs.com/master/1619220 http://floodmagazine.com/71913/the-best-albums-of-... http://www.irish-charts.com/showinterpret.asp?inte... http://snepmusique.com/les-tops/le-top-de-la-semai... http://swisscharts.com/showitem.asp?interpret=Nick...